Nói đến trị liệu ngữ âm, nhiều người nghĩ ngay đến việc dạy trẻ “bật âm” – một thuật ngữ không có trong từ điển chuyên ngành.
Trị liệu ngữ âm cung cấp điều trị, hỗ trợ và chăm sóc cho người lớn và trẻ em gặp khó khăn về nuốt, ăn, uống, giao tiếp, ngôn ngữ và lời nói do các nguyên nhân như đột quỵ, tai nạn, sinh non, khe hở môi vòm, tự kỷ, chậm nói, nói ngọng, nói lắp, mất ngôn ngữ, và mất điều khiển chủ ý lời nói.
Trị liệu viên ngôn ngữ là những chuyên gia y tế, làm việc cùng các y tá, giáo viên, trị liệu viên hoạt động, và bác sĩ để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Để trở thành trị liệu viên ngôn ngữ ở nhiều quốc gia, yêu cầu học viên phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành liên quan đến yếu tố con người.
Trị liệu ngôn ngữ là một quá trình tuân theo chương trình được thiết kế riêng phù hợp cho từng đối tượng.
Đối với trẻ em, cần nhiều phương pháp và chiến lược trong một chương trình. Chuyên viên âm ngữ trị liệu sẽ thực hiện lượng giá toàn diện các mức độ, cách thức, lí do, sở thích, và nhận thức của từng trẻ để thiết kế chương trình phù hợp. Một chương trình can thiệp bao gồm các mục tiêu chuyên sâu tại phòng trị liệu và những bài tập khái quát hóa do cha mẹ thực hiện tại gia đình. Các mục tiêu hàng đầu là trẻ biết bộc lộ nhu cầu, chú ý chung, tương tác luân phiên, tự chăm sóc phù hợp theo tuổi và giải mã những ngôn ngữ thiết thực nhất từ những người thân.
Các chương trình can thiệp giao tiếp nổi tiếng như More than Words, EDSM, RDI, SCERTS đều đặt vấn đề chú ý chung lên hàng đầu để tạo nền tảng cho mọi tương tác xã hội.
Các phương pháp hỗ trợ trực quan như PECS, bảng Trước-Sau, Chuỗi tranh được sử dụng để giúp trẻ hiểu, diễn đạt và quản lý hành vi. Các rối loạn cảm giác cũng được đặc biệt quan tâm, giúp trẻ đáp ứng kích thích giác quan và sử dụng chúng để giao tiếp. Các hoạt động dập khuôn của trẻ được các nhà trị liệu khéo léo biến chuyển thành các hoạt động mang tính chức năng. Với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, việc lồng ghép trị liệu vào các hoạt động chơi cho thấy hiệu quả to lớn. Ngay cả việc luyện phát âm, nhà trị liệu cũng đưa vào việc vui chơi có mục đích, giúp trẻ được “uốn nắn” tự nhiên – cách thức tốt nhất để dạy ngôn ngữ.
Ngoài việc dạy trẻ tương tác, chơi, điều hoà cảm giác, giao tiếp và phát triển nhận thức, các nhà âm ngữ trị liệu cũng làm việc với trẻ về vấn đề đọc viết. Nhà trị liệu giúp trẻ nhận thức âm vị, chữ viết, phát âm, hiểu những gì trẻ đọc và viết ra những gì trẻ nghĩ. Có nhiều chiến lược quản lý hành vi và kiến thức giáo dục được sử dụng ở đây.
Cốt lõi của trị liệu ngữ âm là giúp đối tượng khó khăn hoà nhập cuộc sống, bộc lộ bản thân, hiểu và cảm nhận thế giới xung quanh, phát triển hết tiềm năng và đạt được các kỹ năng chức năng cần thiết.
TS Hoàng Oanh cung cấp các khoá đào tạo về kiến thức và kỹ năng trị liệu ngữ âm cho cả chuyên gia và phụ huynh. Trung tâm Ngữ âm trị liệu O’speech cũng cung cấp đa dạng các dịch vụ khám, tư vấn và trị liệu cho trẻ nhỏ dưới 7 tuổi.
0 Comments