AAC là một thuật ngữ để chỉ các phương thức giúp tăng cường hoặc thay thế cho việc giao tiếp bằng lời nói mà những người có khó khăn về phát âm hay khiếm khuyết ngôn ngữ sử dụng. Một số người cần sử dụng AAC trong suốt cuộc đời trong mọi sinh hoạt.
AAC được chia làm 2 dạng chính là AAC có hỗ trợ và không hỗ trợ.
Chuyên viên Âm ngữ trị liệu là người sẽ đánh giá khả năng nói và hiểu của người sử dụng, để thiết kế hệ thống AAC PHÙ HỢP với từng người.
PECS là một loại AAC có hỗ trợ công nghệ thấp. Đây là viết tắt của Hệ thống giao tiếp bằng trao đổi tranh ảnh. PECS hoạt động dựa trên nguyên lý: giao tiếp là tự nguyện giữa 2 cá thể trở lên để trao đổi thông tin, nhu cầu, cảm xúc.
Theo nguyên lý phân tích hành vi ứng dụng: muốn củng cố được hành vi mong muốn nào đó thì phải tìm được ham muốn (động lực) của trẻ, khi trẻ muốn có được thứ (việc) trẻ ham muốn đó thì trẻ cần thực hiện hành vi kia.
Trong quá trình phát triển, trẻ giao tiếp trước khi có lời nói, ngay từ khi chào đời. Quá trình giao tiếp chỉ được ghi nhận khi có chủ đích hướng tới người khác. Có nhiều mục đích khiến con người giao tiếp với nhau, trong đó bản năng nhất và hình thành sớm nhất là giao tiếp để thể hiện nhu cầu. Mục tiêu đầu tiên trong Trị liệu ngữ âm là trẻ biết cách thể hiện nhu cầu, có thể bằng các cách khác nhau như ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, tranh ảnh, chữ viết… Khi trẻ thể hiện được nhu cầu, những hành vi không mong muốn (mà nguyên nhân do không được đáp ứng thứ trẻ muốn) sẽ giảm xuống, các hành vi giao tiếp có chủ đích gia tăng, trong đó bao gồm cả hành vi lời nói. Vì thế phát triển giao tiếp chức năng là cách quản lý hành vi vững bền và nhân văn.
Những nhà Trị liệu ngữ âm khuyến khích trẻ khởi xướng giao tiếp và sử dụng PECS (theo trình tự chặt chẽ và logic của ABA, nhưng không phải các kĩ thuật thường thấy của ABA). Nhờ đó trẻ có thể chủ động bày tỏ nhu cầu và phát triển các bước cao hơn nữa là bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, mở rộng độ dài câu và sử dụng các câu phức tạp, thành thục trong các cuộc hội thoại. Sự chú ý chung (nền tảng của mọi tương tác xã hội nhưng lại là khiếm khuyết rõ nhất của trẻ tự kỷ) cũng được cải thiện sau thời gian áp dụng hệ thống trao đổi này.
Để thực hiện được hệ thống này, người giao tiếp cần nhận diện được hệ thống củng cố mang tính quyền năng đối với trẻ, nắm vững các chiến lược kích thích giao tiếp để nắm bắt được khoảnh khắc trẻ khởi xướng ham muốn. Người dạy cũng cần thuần thục các kĩ thuật gợi ý, xoá nhắc, sửa sai, trình diễn đủ sinh động để lôi kéo trẻ và kiên nhẫn, bền bỉ áp dụng trong nhiều bối cảnh và quãng thời gian dài.
Cha mẹ cũng như người chăm sóc, muốn thành thục bất kì phương pháp nào, trước tiên cần hiểu và nắm được triết lý của phương pháp đó. Sau đó cần được huấn luyện bởi các trị liệu viên lành nghề.
Dạy ngôn ngữ và giao tiếp theo cách ngồi bàn tráo thẻ hoặc nhại lời một cách vô nghĩa không còn là lựa chọn trong thời đại hiện nay.
Các bạn có thể tham khảo sách Hơn cả bật âm và các khóa đào tạo của TS.BS. Hoàng Oanh
(Nội dung AAC có trong khóa Âm ngữ trị liệu cơ sở và AAC ứng dụng)
0 Comments