Kể từ tháng 05 năm 2013, các nhà tâm lý và nhà tâm thần học sẽ sử dụng những tiêu chí này khi đánh giá các cá nhân để chẩn đoán những rối loạn xảy ra trong thời kỳ phát triển như trên.
Rối loạn giao tiếp xã hội (Ngữ dụng) 315.39 (F80.89)
Tiêu chí chẩn đoán
A. Những khó khăn dai dẳng trong việc sử dụng giao tiếp xã hội bằng lời và không lời, với các biểu hiện như sau:
- Thiếu hụt khả năng sử dụng giao tiếp nhằm mục đích xã giao, chẳng hạn như chào hỏi và chia sẻ thông tin, theo một phương thức phù hợp với ngữ cảnh xã giao.
- Suy giảm khả năng thay đổi cách giao tiếp cho phù hợp với ngữ cảnh hoặc nhu cầu của người nghe, chẳng hạn như có cách nói chuyện khác khi ở trong lớp học so với khi ở ngoài sân chơi, có cách nói chuyện khác khi nói chuyện với một em bé so với khi nói chuyện với một người lớn, và tránh sử dụng những ngôn ngữ quá trịnh trọng.
- Gặp khó khăn trong việc tuân theo những quy định của hội thoại và kể chuyện, chẳng hạn như sự luân phiên trong hội thoại, nói lại hoặc lặp lại ý khi có sự hiểu nhầm, và biết cách sử dụng những tín hiệu bằng lời và không lời để điều chỉnh sự tương tác cho phù hợp.
- Gặp khó khăn trong việc hiểu những gì không được nói thẳng (ví dụ: thiếu khả năng suy diễn) cũng như việc hiểu nghĩa bóng hoặc những ý nghĩa ngôn ngữ chưa rõ ràng (ví dụ: thành ngữ, câu nói đùa, ẩn dụ, những câu có nhiều cách hiểu khác nhau tùy thuộc vào ngữ cảnh).
B. Những thiếu hụt này dẫn đến hậu quả là sự giao tiếp hiệu quả, sự tham gia vào xã hội, những mối quan hệ xã hội, thành tích học tập, hoặc hiệu quả/biểu hiện trong công việc bị hạn chế về mặt chức năng. Sự ảnh hưởng có thể thấy được trên một lĩnh vực riêng lẻ hoặc kết hợp trên nhiều lĩnh vực.
C. Thời điểm bắt đầu có triệu chứng là vào giai đoạn phát triển sớm (nhưng những thiếu hụt kể trên có thể không hoàn toàn biểu hiện ra cho đến khi nhu cầu giao tiếp xã hội vượt quá khả năng của những cá nhân này).
D. Những triệu chứng này không thể quy cho những tình trạng/bệnh lý y khoa hoặc thần kinh khác, và cũng không thể quy cho việc những cá nhân này có khả năng về cấu trúc từ hoặc ngữ pháp thấp, đồng thời những triệu chứng này cũng không được giải thích tốt hơn khi quy vào rối loạn phổ tự kỷ, thiểu năng trí tuệ (rối loạn phát triển trí tuệ), chậm phát triển tổng thể, hoặc một chứng rối loạn tâm thần khác.
Rối loạn phổ tự kỷ 299.00 (F84.0)
Tiêu chí chẩn đoán
A. Những thiếu hụt dai dẳng trong khả năng giao tiếp xã hội và tương tác xã hội trong nhiều tình huống/bối cảnh khác nhau, với những biểu hiện như sau, hiện tại đang biểu hiện hay trước đây đã biểu hiện (những ví dụ chỉ mang tính minh họa, không bao hàm hết tất cả mọi khía cạnh, hãy xem văn bản):
- Thiếu hụt khả năng trao đổi qua lại về xã giao-cảm xúc, ví dụ trong phạm vi từ cách tiếp cận xã giao bất thường và thất bại trong việc hội thoại qua lại bình thường; đến giảm sự chia sẻ hứng thú, tình cảm, hoặc cảm xúc; đến thất bại trong việc khởi xướng hoặc phản ứng lại với sự tương tác xã hội.
- Thiếu hụt những hành vi giao tiếp không lời được sử dụng trong tương tác xã hội, ví dụ trong phạm vi từ khả năng phối hợp giao tiếp bằng lời và không lời nghèo nàn; đến sự bất thường trong giao tiếp mắt và ngôn ngữ cơ thể hoặc thiếu hụt khả năng hiểu và sử dụng cử chỉ; đến sự thiếu vắng hoàn toàn của biểu hiện nét mặt và giao tiếp không lời.
- Thiếu hụt khả năng xây dựng, duy trì và hiểu được các mối quan hệ, ví dụ trong phạm vi từ khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi cho phù hợp với những ngữ cảnh xã giao khác nhau; đến khó khăn trong việc chơi tưởng tượng hoặc kết bạn với người khác; đến việc không quan tâm đến các bạn đồng trang lứa.
Chỉ rõ về mức độ nghiêm trọng hiện tại: Mức độ nghiêm trọng được xác định dựa trên sự suy giảm trong giao tiếp xã hội và những kiểu mẫu hành vi lặp đi lặp lại hoặc bị hạn chế (xem Bảng 2).
B. Những kiểu mẫu hành vi, hứng thú hoặc hoạt động lặp đi lặp lại hay bị hạn chế, với ít nhất hai biểu hiện như sau, hiện tại đang biểu hiện hay trước đây đã biểu hiện (những ví dụ chỉ mang tính minh họa, không bao hàm hết tất cả mọi khía cạnh, hãy xem văn bản):
- Những động tác vận động, cách sử dụng đồ vật hay lời nói rập khuôn hoặc lặp đi lặp lại (ví dụ: những cử động đơn giản rập khuôn, xếp đồ chơi thành hàng hoặc vẫy vẫy đồ vật, lặp lại một cách máy móc lời nói của người khác, những cụm từ bất thường).
- Khăng khăng yêu cầu những thứ giống nhau, thiếu sự linh động và chỉ muốn làm theo thường quy, hoặc những kiểu mẫu hành vi bằng lời hoặc không lời đã trở thành thói quen (ví dụ: lo lắng/căng thẳng tột độ với những thay đổi nhỏ, gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi, lối suy nghĩ, cách chào hỏi cứng nhắc, cần phải làm cùng một việc, đi cùng một con đường hoặc ăn cùng một món ăn mỗi ngày).
- Những hứng thú rất hạn chế, gắn bó với một thứ gì đó một cách bất thường về cường độ hoặc sự tập trung (ví dụ: có sự gắn kết chặt chẽ hoặc quan tâm quá mức đối với một đồ vật khác thường nào đó, bị hạn chế quá mức hoặc có hứng thú dai dẳng).
- Tăng phản ứng hoặc giảm phản ứng với các tiếp nhận giác quan hoặc có hứng thú bất thường với những khía cạnh cảm giác/giác quan trong môi trường (ví dụ: thấy rõ được sự hờ hững với cảm giác đau hoặc với nhiệt độ, phản ứng khó chịu với những âm thanh hoặc kết cấu nhất định nào đó, ngửi hoặc sờ chạm đồ vật quá mức, thích mê nhìn theo những ánh đèn hoặc chuyển động).
C. Những triệu chứng cần phải xuất hiện trong giai đoạn phát triển sớm (nhưng có thể sẽ không biểu hiện hoàn toàn cho đến khi nhu cầu xã hội vượt quá khả năng có hạn của những cá nhân này, hoặc chúng có thể bị che giấu đi bằng các chiến lược mà những cá nhân này đã học được trong quá trình sống).
D. Các triệu chứng gây ra sự suy giảm có ý nghĩa lâm sàng đối với hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực hoạt động quan trọng khác trong hiện tại.
E. Những rối loạn này không được giải thích tốt hơn khi quy chúng vào thiểu năng trí tuệ (rối loạn phát triển trí tuệ) hay chậm phát triển tổng thể. Thiểu năng trí tuệ và rối loạn phổ tự kỷ thường xuất hiện chung với nhau; để chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ đi chung với nhau, kỹ năng giao tiếp xã hội thông thường sẽ ở cấp độ thấp hơn cấp độ được kỳ vọng đối với sự phát triển chung.
Ghi chú: Những cá nhân được chẩn đoán bằng tiêu chí được thiết lập lâu năm DSM-IV, với chẩn đoán là bị rối loạn tự kỷ, rối loạn Asperger, hoặc rối loạn phát triển lan tỏa, nếu không được chỉ định bị những vấn đề khác, thì nên được chẩn đoán thành rối loạn phổ tự kỷ. Những cá nhân có những thiếu hụt rõ ràng trong khả năng giao tiếp xã hội, nhưng ngoài yếu tố này ra lại không có những triệu chứng khác phù hợp với tiêu chí chẩn đoán là rối loạn phổ tự kỷ, thì nên được đánh giá là bị rối loạn giao tiếp xã hội (ngữ dụng).
Hãy chỉ rõ nếu:
- Có hay không có đi kèm với suy giảm trí tuệ
- Có hay không có đi kèm với suy giảm ngôn ngữ
- Đi kèm với một tình trạng/bệnh lý y khoa hoặc di truyền được biết đến hoặc yếu tố môi trường
(Ghi chú về mã: Sử dụng mã phụ để xác định tình trạng/bệnh lý y khoa hoặc di truyền kèm theo.)
- Đi kèm với một rối loạn phát triển thần kinh, tâm thần hoặc hành vi khác
(Ghi chú về mã: Sử dụng một hoặc nhiều mã phụ để xác định rối loạn phát triển thần kinh, tâm thần hoặc hành vi đi kèm.)
Đối với chứng rối loạn tâm lý – catatonia (tham khảo những tiêu chí cho chứng rối loạn tâm lý – catatonia đi kèm với một rối loạn tâm thần khác, trang 119-120, để biết định nghĩa)
(Ghi chú về mã: Sử dụng mã phụ 293.89 [F06.1] cho chứng rối loạn tâm lý – catatonia đi kèm với rối loạn phổ tự kỷ để cho biết sự hiện diện của bệnh lý kèm theo chứng rối loạn tâm lý – catatonia.)
Bảng 2: Các cấp độ nghiêm trọng của rối loạn phổ tự kỷ
Cấp độ nghiêm trọng
Giao tiếp xã hội
Hành vi bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại
Cấp độ 3 “Cần sự hỗ trợ rất nhiều”
- Giao tiếp xã hội: Những thiếu hụt nghiêm trọng trong kỹ năng giao tiếp xã hội bằng lời và không lời dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động, sự khởi xướng tương tác xã hội rất hạn chế, và rất ít khi phản ứng lại sự giao tiếp/làm thân xã giao của người khác. Ví dụ: một cá nhân có số lượng từ mà người khác có thể hiểu được rất ít, và cá nhân này ít khi khởi xướng sự tương tác với người khác, và nếu có, thì cá nhân này có cách tiếp cận người khác bất thường và chỉ tiếp cận họ để đạt được nhu cầu của bản thân, và chỉ phản ứng lại với cách tiếp cận xã giao rất trực tiếp.
- Hành vi bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại: Không có sự linh động về hành vi, gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với sự thay đổi, hoặc có những hành vi bị hạn chế/lặp đi lặp lại khác gây ảnh hưởng rõ ràng đến hoạt động ở tất cả các lĩnh vực. Gặp rất nhiều khó khăn hoặc lo lắng/căng thẳng rất nhiều khi phải chuyển đổi sự tập trung hoặc chuyển đổi hoạt động.
Cấp độ 2 “Cần sự hỗ trợ đáng kể”
- Giao tiếp xã hội: Thiếu hụt rõ ràng trong kỹ năng giao tiếp xã hội bằng lời và không lời; sự suy giảm xã hội vẫn được thấy rõ ngay cả khi đã có sự hỗ trợ; sự khởi xướng tương tác xã hội bị hạn chế; và giảm phản ứng với sự giao tiếp/làm thân xã giao của người khác hoặc phản ứng không bình thường. Ví dụ: một cá nhân nói được một số câu đơn giản, sự tương tác bị giới hạn trong một số hứng thú hẹp nhất định mà thôi, và cá nhân này có sự giao tiếp không lời khác rõ ràng so với người bình thường.
- Hành vi bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại: Không có sự linh động về hành vi, gặp khó khăn khi phải đối phó với sự thay đổi, hoặc có những hành vi bị hạn chế/lặp đi lặp lại khác xuất hiện thường xuyên đủ để một người quan sát bình thường có thể thấy được, và những hành vi này ảnh hưởng đến hoạt động trong những tình huống/bối cảnh khác nhau. Lo lắng/căng thẳng và/hoặc gặp khó khăn khi phải chuyển đổi sự tập trung hoặc chuyển đổi hoạt động.
Cấp độ 1 “Cần sự hỗ trợ”
- Giao tiếp xã hội: Khi không có sự hỗ trợ, những thiếu hụt trong giao tiếp xã hội gây ra sự suy giảm có thể thấy rõ. Gặp khó khăn khởi xướng sự tương tác xã hội, và cho thấy được những ví dụ rõ ràng về phản ứng không bình thường hoặc phản ứng không thành công với sự giao tiếp/làm thân xã giao của người khác. Có thể có biểu hiện giảm hứng thú với tương tác xã hội. Ví dụ: một cá nhân có thể nói được những câu hoàn chỉnh và có tập trung tham gia vào việc giao tiếp, nhưng sự hội thoại qua lại với người khác lại thất bại, và những cách thức, nỗ lực của cá nhân này để làm bạn với người khác thì khác thường và thường không thành công.
- Hành vi bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại: Việc không có sự linh động về hành vi gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động trong một hoặc nhiều tình huống/bối cảnh. Gặp khó khăn trong việc chuyển đổi giữa những hoạt động khác nhau. Những vấn đề trong việc sắp xếp, tổ chức và lập kế hoạch gây cản trở tính độc lập của những cá nhân này.
(Trinh Foundation dịch)
0 Comments